Cây cỏ mực hay còn có cái tên là nhọ nồi, là loài cây quen thuộc ở những vùng nông thôn, chúng mọc bụi ven đường. Người ta thường chặt bỏ chúng đi nhưng không biết những công dụng tuyệt với của chúng. Theo bác sĩ y học cổ truyền thì cỏ mực là một vị thuốc đông y quý giá. Hãy tìm hiểu về vị thuốc này cũng như lợi ích của nó trong đông y thông qua bài viết này bạn nhé! Biết những kiến thức nào hay ho hơn, đừng ngại chia sẻ để mọi người cùng biết bạn nhé!
Tác dụng của cây nhọ nồi
Cây cỏ mực còn ở một số tỉnh thì gọi là cây lọ nồi (cây nhọ nồi). Cây có tên khoa học là Eclipta alba. Cây cỏ mực mọc hoang khắp nơi, đặc biệt là ở những vùng nông thôn của nước ta. Khi vò nát lá cây hoặc giã lấy nước, bạn sẽ thấy nó có màu xanh đen như mực vậy.
Cỏ nhọ nồi chứa tinh dầu, tanin, chất đắng, alcaloid, các dẫn chất thiophen, như dithienyl acetylen ester, α terthienyl, terthienyl aldehyd ecliptal, các chất wedelolacton, stigmasterol, sitosterol, daucosterol; saponin: ecliptasaponin A, B, C.
Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu do tăng tổng lượng prothrombin trong máu. Với liều 3g/kg chuột, tăng thời gian Quick rõ rệt, tăng trương lực của tử cung cô lập, tăng prothrombin; không làm tăng huyết áp, không giãn mạch; còn tác dụng ức chế một số chủng vi khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn than, trực khuẩn đại tràng.
Theo Y học cổ truyền, cỏ nhọ nồi có tác dụng lương huyết chỉ huyết, tư âm bổ thận. Dùng trị các chứng xuất huyết, thổ huyết, khái huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, băng huyết; ngoài ra cây nhọ nồi chữa đau dạ dày, lá nhọ nồi hạ sốt, …
Tổng hợp những công dụng khác của nhọ nồi
Dùng cỏ mực điều trị nhiệt miệng
Theo Bác sĩ Y học cổ truyền, khi bị nóng trong người (do ăn quá nhiều thức ăn nóng, chứa nhiều đường, dầu mỡ…) thì sẽ bị lở miệng. Thường thì vết loét trong miệng sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày và sẽ không để lại sẹo trong khoang miệng.
Tuy nhiên, khi bị loét thì bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu, nhất là khi ăn uống. Tôi đã từng như thế, ăn bất cứ món gì có gia vị là rát ngay; mất cảm giác ngon miệng. Không chỉ thế, có lần tôi cắn trúng vết loét ấy hay ăn phải ớt là nước mắt chảy ròng ròng.
Cách thực hiện
Thực sự, việc cam chịu vết loét ấy trong 10 ngày như là một cực hình. Không chỉ tôi mà những đứa trẻ trong xóm cũng hay bị lở miệng. Những lúc như thế, mẹ tôi lại nhắc chúng tôi hái cỏ mực để làm lành vết loét. Cách dùng đơn giản như sau:
Bước 1: Bạn tìm và hái một ít lá nhọ nồi non rồi đem đi rửa sạch. Bước 2: Bạn nhai trực tiếp nắm cây tươi với một ít muối hoặc đem đi giã nhuyễn với muối, sau đó ngậm khoảng 15 phút rồi nhổ bỏ.
Lưu ý khi sử dụng
Khi sử dụng cần lưu ý: Sau khi nhổ bỏ, răng miệng bạn sẽ bị nhuộm màu bởi cỏ mực. Bạn không cần lo lắng vì từ từ nó sẽ nhạt màu và hết (cách này rất hiệu nghiệm nhưng hơi hôi vì mùi của loại cây này; vì vậy nhiều đứa trẻ không chịu thử, mỗi lần bị mẹ nó bắt lại rồi thoa nước cỏ mực lên là la khóc um sùm). Ngay sau lần thoa (ngậm) đầu tiên, bạn sẽ thấy vết loét bớt nóng đau và ngứa; bề mặt vết loét cũng nhỏ dần. Vài lần sau thì vết loét hết hẳn (vết loét càng nhỏ thì càng mau hết). Ngoài ra, nếu bạn đang viêm họng hoặc bị nổi đẹn thì dùng cách này cũng mang lại hiệu quả rất tốt.
Giúp làm giảm mụn và đẹp da
Bác sĩ Trung cấp Dược Hà Nội cho biết, Cỏ mực có thể điều trị mụn rất hiệu quả bằng cách kết hợp giữa bôi thoa bên ngoài và ăn uống để thanh mát từ bên trong. Cụ thể như sau: Dùng cỏ mực thoa lên da mụn: Mỗi lần dùng, bạn hái 50 gram lá cỏ nhọ nồi non đem đi giã nhuyễn (hoặc cho vào máy xay sinh tố rồi xay), sau đó đắp trực tiếp lên vùng da bị mụn. Sau khoảng 15 phút, bạn rửa sạch lại với nước là được.
Lưu ý: Cỏ nhọ nồi giúp giảm viêm và làm mát da rất tốt. Tuy nhiên, sau khi đắp, da bạn sẽ bị đổi màu do cỏ mực. Vì vậy, hãy tranh thủ và sắp xếp thời gian khi thực hiện cách làm đẹp này để không ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt bạn nhé (màu cỏ mực sau đó sẽ phai dần).
Ăn canh từ cỏ mực tốt cho sức khỏe
Ngoài cách thoa ngoài da để giảm mụn thì bạn cũng có thể ăn canh cỏ mực để thanh mát; giúp giải nhiệt (canh cỏ mực, ai biết ăn sẽ thấy nó ngon hơn canh rau giệu rất nhiều.
Cách chế biến cỏ mực thành món ăn: Bước 1: Hái lá cỏ mực non rồi rửa sạch (có thể hái ngọn nhưng không hái những phần có bông). Bước 2: Rửa sạch, đun nước sôi rồi nấu canh, nêm nếm như cách thông thường rồi chờ canh chín thì tắt bếp.
Món canh này kết hợp với đắp cỏ mực tươi lên vùng da bị mụn sẽ là cách vẹn toàn để bạn điều trị mụn dứt điểm cả bên ngoài lẫn bên trong (thường thì bạn kiên trì ăn món canh này mỗi tuần hai lần; kết hợp đắp ngoài da thì sau 1 tháng sẽ thấy mụn giảm rõ rệt).
Những lưu ý không sử dụng cỏ mực trong các trường hợp sau
Cỏ mực có tính hàn nên những người hay lạnh bụng, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn… không nên ăn. Hơn nữa, khi dùng làm thức ăn hay làm thuốc cũng vậy; chúng ta chỉ nên dùng ở lượng vừa phải để bệnh giảm dần, tránh lạm dụng vì sẽ gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Như chúng ta đều biết, cỏ mực mọc hoang khắp nơi, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Nhưng không phải ai cũng biết được công dụng tuyệt vời của loại cỏ này.
Nguồn: Yhoccotruyenvn.com