Phương pháp châm cứu
Sức Khỏe Y Học Cổ Truyền

Tìm hiểu về hội chứng đau thắt lưng và chữa trị bằng châm cứu

4 phút, 25 giây để đọc.

Hội chứng đau thắt lưng là hội chứng nhiều người mắc phải, gây nhiều phiền phức trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau thắt lưng và tương ứng thì cũng có rất nhiều phương pháp chữa trị. Trong đó, phương pháp châm cứu trong y học cổ truyền là một phương pháp rất hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Vậy vì sao phương pháp này lại được tin dùng đến thế, nó có thật sự có hữu hiệu và chữa khỏi chứng đau thắt lưng? Câu trả lời ở ngay dưới bài viết này, cùng xem qua nhé!

Hội chứng đau thắt lưng là gì?

Đau lưng vùng thấp (Low back pain) hay còn gọi là đau cột sống thắt lưng là hội chứng thường gặp có biểu hiện đau khu trú ở vùng lưng từ đốt sống L1 đến nếp lằn mông ở một hoặc cả hai bên của cơ thể. Tại cộng đồng, với 65-80% những người lớn đều có đau cột sống thắt lưng cấp tính một vài lần trong trong cuộc đời và 10% trong số này có thể sẽ chuyển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính.

Mặc dù hội chứng đau thắt lưng nguồn gốc đau từ cột sống, nhưng trên thực tế lâm sàng cũng có rất nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng đau thắt lưng dưới như các bệnh về đường tiết niệu, sinh dục, các khối u trong ổ bụng …

Hội chứng đau thắt lưng

Đau thắt lưng là hội chứng đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông có thể lan xuống một bên hoặc cả hai bên. Đau thắt lưng có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau, một trong số đó thì châm cứu điều trị đau thắt lưng là một trong những phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, đem lại kết quả tốt.

Đau thắt lưng được xếp vào chứng Yêu thống theo YHCT. Cũng là thuộc phạm vi chứng Tý, nghĩa là có sự tắc trở của khí huyết mà gây ra đau.

Nguyên nhân của bệnh đau thắt lưng

Nguyên nhân do ngoại nhân: do các yếu tố phong, hàn, thấp tà nhân lúc cơ thể chính khí suy giảm, tấu lý sơ hở xâm nhập vào cơ thể mà gây bệnh: Tính của phong tà gây bệnh là đột ngột, nhanh và có tính chất di chuyển. Tính của hàn tà là đau tại chỗ đau co rút, chườm ấm dễ chịu. Tính chất của thấp tà là đau nặng nề tê bì.

Nguyên nhân của bệnh đau thắt lưng

Nguyên nhân do nội nhân: Chính khí của cơ thể suy yếu, gây ảnh hưởng tới chức năng của các tạng phủ, trong đó có tạng can, thận: Can thì tàng huyết mà tạng can suy yếu khiến can không tàng được huyết dẫn đến huyết kém. Can lại chủ cân, can yếu kém, cân cơ không được nuôi dưỡng mà làm cân yếu mỏi. Thận chủ cốt tủy, thận hư, cân cốt yếu. Thận tàng tinh mà tinh thì sinh huyết. Vì vậy thận hư lại làm huyết thiếu. Lưng lại là phủ của thận. Chúng kết hợp với nhau mà gây ra đau thắt lưng.

Nguyên nhân do bất nội quan nhân: Các chấn thương tại thắt lưng, bê vác vật nặng, hoạt động sai tư thế khiến khí huyết bị tắc trở mà gây ra chứng yêu thống.

Chữa đau thắt lưng bằng phương pháp châm cứu

Đối với đau thắt lưng do phong hàn thấp

Triệu chứng: Đau lưng với tính chất đột ngột. Thường là gặp  sau  khi bị lạnh, bị gặp mưa, thời tiết ẩm thấp. Đau có tính chất âm ỉ, vận động thường hạn chế. Các cơ cạnh cột sống lưng đau co cứng, co rút. Lưỡi hồng rêu trắng mỏng, mạch trầm hoạt. Pháp: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc. Phương huyệt: Tại chỗ: A thị huyệt, Giáp tích L1- L5, Thận du, Đại trường du, Hoàn khiêu. Toàn thân: Liệt khuyết, Khúc trì, Túc tam lý. Châm kết hợp cứu ngải, chiếu đèn hồng ngoại để đạt hiệu quả cao.

Chữa đau thắt lưng bằng phương pháp châm cứu

Đối với đau lưng do khí trệ huyết ứ

Triệu chứng: Đau thắt lưng xuất hiện sau chấn thương, sau mang vác nặng hoặc hoạt động sai tư thế, đau tại chỗ, dữ dội, hạn chế vận động, không cúi ngửa được, co cứng cơ. Pháp: Hành khí hoạt huyết, hóa ứ, thư cân hoạt lạc. Phương huyệt: Tại chỗ: tương tự như thể phong hàn thấp. Toàn thân: Huyết hải, Cách du, Tam âm giao.

Đối với đau lưng do can thận hư

Triệu chứng: Đau lưng đã lâu, đau âm ỉ, mỏi gối nhiều, thích xoa bóp. Kết hợp ù tai, chân tay lạnh, sợ lạnh, tiểu đêm. Chất lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch trầm tế hoặc trầm trì. Pháp: Tư bổ can thận, khu phong tán hàn trừ thấp. Phương huyệt: Tại chỗ: Tương tự các thể trên. Toàn thân: Thái xung, Thận du, Can du, Tam âm giao.

Nguồn: Ythuatcotruyen.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *