Xu hướng dạy con sai lầm của một số gia đình hiện nay
Gia Đình Lối Sống

Xu hướng dạy con sai lầm của một số gia đình hiện nay

6 phút, 1 giây để đọc.

Gia đình là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người thân yêu. Ai cũng mong gia đình mình luôn êm ấm, hạnh phúc. Mỗi người đều có những tiêu chuẩn để xây dựng một gia đình hạnh phúc nhưng tựu chung lại bao gồm các yếu tố: biết chia sẻ, nhân ái, tôn trọng, chăm sóc và nuôi dạy con cái…

Có người cho rằng nếu có đủ điều kiện vật chất thì gia đình sẽ hạnh phúc. Có người chỉ mong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau. Những quan điểm khác nhau dẫn đến những tiêu chuẩn khác nhau để mỗi người có thể thiết lập một gia đình hạnh phúc. Dân tộc ta xưa nay vẫn quan niệm con cái là quà tặng của trời cho, con cái là “tài sản giữ gìn”, là niềm tin yêu và sự kỳ vọng của cha mẹ. Vì vậy, việc nuôi dạy những đứa con ngoan ngoãn, thành đạt là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình.

Nền tảng đạo đức truyền thống

Phần lớn người Việt Nam ta luôn dạy con cái theo nền tảng đạo đức truyền thống: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “một điều nhịn, chín điều lành”, tuổi ấu thơ luôn luôn phải lắng nghe và tuân thủ những quyết định của cha mẹ, của người lớn; khi cha mẹ, ông bà bàn bạc nói chuyện, thậm chí cả những chuyện liên quan đến mình cũng chỉ được phép ngồi nghe, không được nói leo, nói chen ngang…

Cách dạy này có ưu điểm là giúp trẻ vâng lời, sống biết tôn trọng người khác, tuy nhiên, chính cách sống đi “thưa” về “trình”, luôn chỉ biết lắng nghe một cách thái quá đã vô tình tạo cho con cái chúng ta lối sống thụ động, nhút nhát không dám thể hiện quan điểm của mình, ngại đấu tranh với cái phải, cái trái trong cuộc sống thường nhật. Nhiều trẻ em bây giờ mỗi khi có khách đến nhà chơi, thay vì tiếp khách giúp cha mẹ chúng lại hay tìm cách lánh mặt, ngại trò chuyện với người lạ, đó cũng chính là rào cản rất lớn cho con em chúng ta khi đến tuổi khôn lớn cần hòa mình vào dòng chảy của xã hội để làm việc, để khẳng định bản thân.

Cách dạy sai lầm làm trẻ đánh mất khả năng thích ứng

Cách dạy sai lầm làm trẻ đánh mất khả năng thích ứng

Ở Việt Nam, cha mẹ thường chăm lo con cái rất chu đáo, dù chúng ở độ tuổi nào cũng luôn thấy chúng bé nhỏ trong mắt mình, luôn theo sát mọi hoạt động của con, thậm chí là cầm tay chỉ việc cho con làm. Trong công viên khi trẻ chơi trò chơi, lái đu quay hay câu cá… thay vì việc để con trẻ tự làm thì cha mẹ lại nhắc nhở, chỉ hướng, thậm chí làm thay con, điều đó vô tình đã đánh mất khả năng sáng tạo, khả năng tự thích ứng, tự xử lý tình huống của con trẻ, dần dà hình thành thói quen thụ động trong công việc, hình thành thái độ sống trông chờ, ỷ nại… điều đó ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái trong tương lai.

Xu hướng dạy con độc tài

Đúng là “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Kỳ vọng có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt là một mơ ước chính đáng các bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng nhiều lúc sự kỳ vọng thái quá đã vô tình tạo ra áp lực cho những đứa trẻ. Nhiều bậc cha mẹ đã bắt ép con mình học sớm tối để thành danh, để hơn người, hơn đời. Đặt ra cho con mình những cái đích phải đỗ vào trường chuyên, lớp chọn; đại học danh tiếng để tương lai sáng chói, để cha mẹ được vẻ vang. Điều đó khiến không ít những trẻ bị đánh mất tuổi thơ; đánh mất vẻ ngây thơ trong sáng của tuổi học trò.

Chính cách giáo dục con cái theo xu hướng độc tài; quyết định thay nhiều vấn đề trong cuộc đời con. Từ việc ăn gì, mặc gì, học trường nào, chọn nghề nào… Đã khiến trẻ em không có cơ hội phát huy năng lực bẩm sinh. Không có cơ hội theo đuổi đam mê của mình, sống ỷ nại, dựa dẫm. Bên cạnh đó một số bậc cha mẹ hay so sánh con mình – con người; khiến trẻ hình thành lối sống ganh đua, đố kỵ. Sau này lớn lên – đó chính là mầm mống hình thành vô vàn thói quen xấu trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Cần tạo thói quen tự lập cho trẻ

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang mở cửa hội nhập với bè bạn năm châu; kinh tế xã hội phát triển, nếp sống văn hóa gia đình cũng có nhiều thay đổi. Muốn có một gia đình hạnh phúc khởi nguồn từ những đứa con ngoan thì những người làm cha, làm mẹ ngoài việc chăm bẵm, lo toan cho mỗi đứa trẻ; chúng ta cần tạo cho trẻ thói quen tự lập. Tạo môi trường cho trẻ giao lưu học hỏi để chúng tự tin trong cuộc sống. Cha mẹ nên đi cạnh con làm người theo dõi. Uốn nắn các hoạt động của con trẻ. Không nên áp đặt bắt chúng phải theo ý mình.

Trong những điều kiện có thể, hãy để các con được tham gia câu chuyện gia đình, được đề đạt ý kiến. Nhất là những vấn đề liên quan đến chúng. Hãy làm bạn với con, khoảng cách cha mẹ và con cái sẽ được kéo lại gần hơn. Sự thấu hiểu và chia sẻ vì thế cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Và điều quan trọng nhất để dạy con ngoan, thành đạt thì ông bà, cha mẹ hãy luôn là tấm gương về đạo đức và lối sống đẹp để con cháu học tập noi theo.

Cần tạo thói quen tự lập cho trẻ

Hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc nằm ngay trong mái ấm gia đình mỗi chúng ta. Hạnh phúc khởi nguồn từ những đứa con thân yêu. Bởi vậy mỗi bậc làm cha làm mẹ cần lựa chọn phương pháp dạy con phù hợp để có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.

Lời kết

Chúng ta vẫn nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng với một loạt những sự việc giật mình liên quan tới cách cư xử và lối sống tiêu cực của những đứa trẻ được tung ra dư luận; chúng ta không khỏi lo lắng về thế hệ tương lai của đất nước. Hẳn các bậc làm cha làm mẹ phải rất đau lòng khi chứng kiến cách hành xử sai trái của những đứa con thân yêu. Nhưng đã bao giờ họ tự hỏi: Tại sao? phải chăng do cách giáo dục của người lớn chúng ta còn chưa đồng thuận?

Hãy lựa chọn phương pháp dạy con phù hợp để có được niềm hạnh phúc trọn vẹn nhé!

Nguồn: sovhttdl.thaibinh.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *